Thứ Hai, 10 tháng 4, 2017

Pháp nhân, phân loại pháp nhân và hoạt động của pháp nhân

NỘI DUNG
I.         Pháp nhân
1.    Khái niệm pháp nhân
Pháp luật hiện hành chưa quy định rõ một định nghĩa về pháp nhân, tuy nhiên, từ những quy định sẵn có thì định nghĩa sau được coi là chính xác nhất về chủ thể này: “Pháp nhân là một tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo luật định, có tài sản riêng độc lập với tài sản của các thành viên pháp nhân, tự chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình, nhân danh mình tham gia vào các quan hệ pháp luật dân sự một cách độc lập”.
2.    Điều kiện để thành lập pháp nhân
Theo cách hiểu về pháp nhân như đã nêu trên, đồng thời dựa vào Khoản 1 Điều 74 Bộ Luật Dân sự (BLDS) 2015, có thể đưa ra 04 đặc điểm của một pháp nhân, cũng là 04 điều kiện để pháp nhân được thành lập như sau:
Thứ nhất, pháp nhân là một tổ chức được thành lập theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 và các luật khác của liên quan.
Với điều kiện đầu tiên này, quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 74 BLDS 2015 đã có sự khác biệt so với quy định trước đó tại Khoản 1 Điều 84 BLDS 2005, điều kiện đầu tiên để một pháp nhân được thành lập đó là “Được thành lập hợp pháp”. Điều đó cho thấy đã có sự rõ ràng hơn về tính “hợp pháp”, và chặt chẽ hơn về cơ sở pháp lý của thủ tục thành lập pháp nhân, tránh việc các luật khác có liên quan có mâu thuẫn với BLDS.
Tuy nhiên, bản chất của điều khoản này vẫn không có sự thay đổi, pháp nhân được coi là thành lập hợp pháp nếu pháp nhân được thành lập theo trình tự tương ứng với tính chất của loại pháp nhân đó. Có ba cách thức để thành lập một pháp nhân hợp pháp như sau :
-    Pháp nhân là cơ quan, tổ chức nhà nước : phải được thành lập theo quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (được gọi là trình tự mệnh lệnh). Theo trình tự này, căn cứ vào nhu cầu thực tế của xã hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập một pháp nhân nhằm thông qua hoạt động của pháp nhân này để giải quyết các nhu cầu xã hội đang đòi hỏi, các cơ quan hữu quan cấp dưới có trách nhiệm thi hành quyết định đó. Ví dụ: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là một pháp nhân, do Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng thay mặt Hội đồng Chính phủ ký quyết định thành lập số 58-CP năm 1963, đồng thời là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, hoạt động tuân theo luật pháp Việt Nam và Điều lệ của mình.[1]
-    Pháp nhân là tổ chức kinh tế tư nhân (các công ty) : phải được thành lập trên cơ sở đơn xin thành lập của các sáng lập viên kèm theo điều lệ gửi đến cơ quan đăng ký kinh doanh (thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư) để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên có tư cách pháp nhân, việc thành lập công ty phải tuân thủ theo quy định của BLDS và Luật Doanh nghiệp 2014.
-    Pháp nhân thành lập theo sáng kiến của các sáng lập viên, hội viên của các tổ chức : phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập thông quan việc kiểm tra tính hợp pháp của điều lệ, mục đích thành lập, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, thành viên được xác định trong đơn xin thành lập. Các pháp nhân là các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, quỹ từ thiện được thành lập theo trình tự này. Ví dụ: Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng là pháp nhân được thành lập năm 1996, hoạt động theo Điều lệ Quỹ và quy định của pháp luật, chịu sự quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan về lĩnh vực Quỹ hoạt động.[2]
Thứ hai, pháp nhân có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 Bộ luật Dân sự 2015.
Trước đây, theo quy định tại Khoản 2 Điều 84 BLDS 2005, điều kiện này chỉ là “Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ” thì hiện nay đã có riêng một Điều luật quy định rõ hơn về điều kiện đó nhằm giúp cụ thể hoá về cơ cấu tổ chức của pháp nhân[3], tuy nhiên lại mất đi tính chặt chẽ được quy định cho cơ cấu tổ chức của pháp nhân. Theo đó, một pháp nhân có thể có nhiều loại cơ quan khác nhau tuỳ thuộc vào loại pháp nhân đó, nhưng phải luôn có một loại cơ quan bắt buộc, đó là cơ quan điều hành để điều hành các hoạt động của pháp nhân đó. Ví dụ: Điều 7 Điều lệ của Quỹ từ thiện xã hội Tấm lòng vàng quy định pháp nhân này có 2 loại cơ quan, cơ quan quản lý là Hội đồng quản lý và Ban kiểm soát; cơ quan điều hành hoạt động là Ban giám đốc (giúp việc Ban giám đốc có bộ phận hành chính, kế toán quỹ).
Thứ ba, pháp nhân có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình.
Pháp nhân phải có tài sản thuộc sở hữu của mình để bằng tài sản đó thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm phát sinh từ các quan hệ mà pháp nhân tham gia. Trong trường hợp pháp nhân là các cơ quan, tổ chức của nhà nước thì tài sản của pháp nhân thuộc sở hữu nhà nước. Vì vậy, muốn được coi là có tài sản độc lập thì các pháp nhân này phải được Nhà nước giao quyền quản lý đối với một khối tài sản nhất định. Khối tài sản này phải hiện diện, nằm trong sự quản lý của pháp nhân và có đủ cơ sở để phân biệt với tài sản của cá nhân, pháp nhân khác. Đồng thời, theo quy định có chút thay đổi mới này thì tài sản của pháp nhân có thể không còn độc lập với tổ chức khác nữa. Tài sản của pháp nhân được xác định theo Điều 81 của BLDS 2015. Ví dụ: Tài sản góp vốn của các thành viên trong công ty hợp danh đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty và tài sản tạo lập được mang tên công ty là 2 loại tài sản mà công ty hợp danh sở hữu để thực hiện việc đầu tư, kinh doanh… đồng thời khối tài sản đó là độc lập hoàn toàn với tài sản của các thành viên trong công ty, với các pháp nhân khác.
Thứ tư, pháp nhân nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Để nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập, pháp nhân phải hội tụ các yếu tố để có thể cá biệt hoá pháp nhân như tên gọi của pháp nhân, trụ sở của pháp nhân, quốc tịch của pháp nhân (Điều 80 BLDS 2015 là quy định hoàn toàn mới),… theo quy định của BLDS. Với tư cách độc lập đó, pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật và có khả năng hưởng quyền, gánh chịu các nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định phù hợp với điều lệ của pháp nhân. Pháp nhân không dùng danh nghĩa của tổ chức khác, cũng không cho phép người khác dùng danh nghĩa mình để hoạt động. Yếu tố này đã tạo nên năng lực chủ thể cho pháp nhân, gồm năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự.
Khi pháp nhân không thực hiện nghĩa vụ của mình hoặc có gây thiệt hại cho cá nhân hoặc pháp nhân khác thì pháp nhân có thể là bị đơn trước toà án. Ngược lại, cá nhân hoặc pháp nhân khác không thực hiện nghĩa vụ, hoặc gây thiệt hại cho pháp nhân thì pháp nhân có quyền khởi kiện trước toà án để bảo vệ quyền lợi của mình.[4] Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh sau khi gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng tại vùng biển miền Trung thì khi bị khởi kiện, chính công ty là bị đơn của vụ việc chứ không phải một cá nhân hay tổ chức nào khác của công ty này.
3.    Chấm dứt pháp nhân
Chấm dứt pháp nhân là chấm dứt sự tồn tại của một tổ chức với tư cách là chủ thể độc lập trong các quan hệ pháp luật dân sự mà trước đó tổ chức đó tham gia với tư cách pháp nhân. Các căn cứ làm chấm dứt pháp nhân được quy định tại Điều 96 BLDS 2015, pháp nhân chấm dứt tồn tại kể từ thời điểm xoá tên trong sổ đăng ký pháp nhân hoặc từ thời điểm được xác định trong quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, khi đó tài sản của pháp nhân được giải quyết theo quy định của BLDS (Điều 94) và quy định của luật khác có liên quan. Pháp nhân chấm dứt được thực hiện dưới hai hình thức sau: Cải tổ và giải thể pháp nhân.
3.1.       Cải tổ pháp nhân
a.    Hợp nhất pháp nhân
Có thể hiểu hợp nhất pháp nhân là việc hai hay nhiều pháp nhân cùng loại được hợp nhất với nhau theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo thoả thuận giữa các pháp nhân với nhau, hoặc theo quy định của điều lệ. Theo đó, các pháp nhân cũ bị hợp nhất sẽ chấm dứt sự tồn tại và cho ra đời một pháp nhân mới.
Hậu quả pháp lý của việc hợp nhất các pháp nhân là pháp nhân cũ bị chấm dứt sự tồn tại ở thời điểm pháp nhân mới được thành lập, đồng thời các quyền, nghĩa vụ dân sự của các pháp nhân cũ được chuyển giao cho pháp nhân mới (pháp nhân hợp nhất). (Điều 88 BLDS 2015)
Ví dụ: Phú Khánh là tỉnh được hợp nhất từ hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà trong thời gian từ năm 1975 đến năm 1989. Trước khi hợp nhất thì tỉnh Phú Yên và tỉnh Khánh Hoà là hai pháp nhân tồn tại độc lập nhau. Sau khi hợp nhất thì tỉnh Phú Khánh được tổng hợp chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động, quyền, nghĩa vụ dân sự của hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hoà.

b.    Sáp nhập pháp nhân
Sáp nhập pháp nhân là việc nhập một hoặc nhiều pháp nhân (gọi là pháp nhân được sáp nhập) vào một pháp nhân khác (pháp nhân sáp nhập) theo quy định trong điều lệ của pháp nhân, theo thoả thuận giữa các pháp nhân với nhau hoặc theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, việc sáp nhập pháp nhân và hợp nhất pháp nhân đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế, các loại hình công ty thì cần tuân theo quy định của Luật Cạnh tranh 2004.
Hậu quả pháp lý của việc sáp nhập pháp nhân là pháp nhân được sáp nhận chấm dứt tồn tại; quyền và nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được sáp nhập được chuyển giao cho pháp nhân sáp nhập. (Điều 89 BLDS 2015)
Ví dụ: Trước ngày 01/10/2015, hai ngân hàng là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) vẫn là hai pháp nhân độc lập. Sau đó, hai bên ký kết biên bản bàn giao sáp nhập toàn hệ thống Southern Bank vào Sacombank. Sacombank sẽ tiếp nhận mọi quyền và nghĩa vụ trước đó của Southern Bank, bao gồm quản lý mạng lưới chi nhánh rộng hơn, tổng tài sản lớn hơn, và cả nghĩa vụ giải quyết nợ xấu, …[5]
c.    Chia pháp nhân
Có thể hiểu là việc chia một pháp nhân thành nhiều pháp nhân cùng loại theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của điều lệ.
Hậu quả pháp lý của việc chia pháp nhân là sau khi chia, pháp nhân bị chia chấm dứt sự tồn tại; quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân bị chia được chuyển giao cho các pháp nhân mới. (Điều 90 BLDS 2015)
Ví dụ: Năm 1991, tỉnh Thuận Hải được chia thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận, do đó, pháp nhân cũ là tỉnh Thuận Hải không còn tồn tại, thay vào đó là hai tỉnh mới có tư cách pháp nhân và có năng lực chủ thể riêng.
d.    Tách pháp nhân
Tách pháp nhân là việc tách một phần của một pháp nhân để thành lập pháp nhân mới cùng loại với pháp nhân bị tách theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc theo quy định của điều lệ.
Hậu quả pháp lý của việc tách pháp nhân đó là sau khi tách, pháp nhân bị tách chuyển giao cho pháp nhân được tách một phần các quyền và nghĩa vụ tương ứng; đồng thời pháp nhân bị tách và pháp nhân được tách thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự của mình phù hợp với mục đích hoạt động của pháp nhân đó. (Điều 91 BLDS 2015)
Ví dụ: Năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT, theo đó, đơn vị hoạt động Mobiphone được tách ra và cổ phần hoá để trở thành một pháp nhân mới, độc lập với pháp nhân cũ là công ty mẹ VNPT. Lĩnh vực hoạt động mới của Mobiphone vẫn là viễn thông như trước đó.
e.    Chuyển đổi hình thức của pháp nhân
Chuyển đổi hình thức pháp nhân về bản chất là việc thay đổi hình thức kết cấu của pháp nhân với sản nghiệp không thay đổi, không phải là thành lập ra một pháp nhân mới. Do đó, ở quy định mới này (Điều 92 BLDS 2015) thì pháp nhân không bị chấm dứt mà chỉ đơn thuần là cải tổ, chuyển đổi từ loại hình pháp nhân này sang loại hình pháp nhân khác.
Mặc dù theo điều khoản này thì hậu quả pháp lý của việc chuyển đổi hình thức của pháp nhân là pháp nhân được chuyển đổi chấm dứt tồn tại, pháp nhân chuyển đổi kế thừa quyền, nghĩa vụ dân sự của pháp nhân được chuyển đổi, nhưng hình thức này mang đậm tính “bình mới rượu cũ”, không làm chấm dứt pháp nhân.
Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn từ 02 thành viên trở lên là doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, sau khi thực hiện các thủ tục để chuyển đổi sang loại hình công ty cổ phần thì sản nghiệp của pháp nhân này không thay đổi, chỉ thay đổi cách thức hoạt động. Do đó, quy định tại Điều 92 vẫn còn khá nhiều bất cập, chưa rõ ràng.
3.2.       Giải thể pháp nhân
Các căn cứ giải thể pháp nhân được quy định tại Điều 93 BLDS 2015, và tại các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Thứ nhất, giải thể theo quy định của điều lệ là việc chấm dứt hoạt động và sự tồn tại của một pháp nhân là doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện để giải thể được quy định trong điều lệ của doanh nghiệp đó. Nguyên nhân của việc giải thể này là pháp nhân rơi vào 1 trong các trường hợp sau: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn; theo quyết định của tất cả các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần; công ty không còn đủ số lượng thành vên tối thiểu của Luật Doanh nghiệp trong thời hạn sáu tháng liên tục; bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.[6] Trình tự, thủ tục và các vấn đề liên quan đến giải thể pháp nhân là doanh nghiệp tuân theo quy định tại các điều khoản từ Điều 202 đến Điều 205 của Luật Doanh nghiệp 2014. Ví dụ: Công ty hợp danh sẽ phải giải thể theo quy định của pháp luật nếu sau 06 tháng liên tục không có đủ từ 02 thành viên trở lên.
Thứ hai, giải thể pháp nhân theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bao gồm cả trường hợp pháp nhân hết thời hạn hoạt động được ghi trong điều lệ khi thành lập. Nguyên nhân của việc giải thể này có thể là: pháp nhân đã thực hiện xong nhiệm vụ; đạt được mục đích khi thành lập pháp nhân đặt ra; hoạt động của pháp nhân trái với mục đích khi thành lập gây thiệt hại đến lợi ích của xã hội, vi phạm các điều cấm của pháp luật hoặc sự tồn tại của pháp nhân không cần thiết nữa; khi thời hạn hoạt động ghi trong điều lệ đã hết… . Cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập pháp nhân thì có thẩm quyền quyết định giải thể pháp nhân đó. Khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện các nghĩa vụ về tài sản của mình theo Điều 94 BLDS 2015. Ví dụ: Quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng hoạt động nhằm mục đích hỗ trợ công chức, viên chức, lao động, những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội và các hoạt động xã hội từ thiện mang tính cộng đồng. Tuy nhiên, nếu Quỹ này dần dần biến tướng hoạt động từ thiện theo hướng trục lợi cá nhân thì sẽ bị giải thể theo quyết định của Bộ Nội vụ là cơ quan nhà nước đã thành lập ra quỹ đó.
Thứ ba, giải thể theo các trường hợp theo quy định của pháp luật thì có thể là theo quy định của BLDS hoặc những luật khác có liên quan. Ví dụ: Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp.
Tóm lại, trước khi pháp nhân bị giải thể theo các trường hợp nêu trên, pháp nhân được yêu cầu phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ tài sản của pháp nhân đó. Ví dụ: Theo điều lệ, thời hạn hoạt động của pháp nhân là 50 năm. Sau khi hết 50 năm, pháp nhân sẽ thực hiện thủ tục giải thể. Trước khi giải thể, pháp nhân phải thanh toán đầy đủ các khoản nợ và các nghĩa vụ khác về tài sản của pháp nhân với các chủ thể khác.[7]
3.3.       Phá sản pháp nhân
Điều 95 BLDS 2015 quy định về việc phá sản pháp nhân là một quy định mới về một hình thức giải thể “đặc biệt” của pháp nhân là doanh nghiệp. Hoạt động này nhằm giải quyết tình trạng làm ăn thua lỗ đến mức không có khả năng thanh toán nợ đến hạn của một doanh nghiệp. Doanh nghiệp bị phá sản chấm dứt sự tồn tại như một pháp nhân bị giải thể.
Khi bị phá sản, pháp nhân phải tuân theo các quy định của pháp luật về phá sản, bao gồm: thủ tục nộp đơn, nộp lệ phí, thực hiện các nghĩa vụ về tài sản (xử lý khoản nợ, tiền lãi, trả lại tài sản thuê, tài sản mượn,…). Việc phá sản pháp nhân sẽ chấm dứt sự tồn tại của pháp nhân, đồng thời không tạo lập nên một pháp nhân mới.
Ví dụ: Luật phá sản năm 2014 quy định chi tiết về việc phá sản, trong đó có phá sản pháp nhân. Một pháp nhân khi không còn đủ khả năng thanh toán các khoản nợ thì có thể lựa chọn hình thức phá sản và tuân theo các trình tự, thủ tục quy định tại luật này.
II.      Phân loại pháp nhân
Trước đây, BLDS 2005 không phân định rạch ròi giữa các loại pháp nhân, do đó có thể phân loại pháp nhân theo nhiều căn cứ khác nhau. Tuy nhiên đến BLDS 2015, căn cứ vào mục đích hoạt động của pháp nhân, Điều 75 và Điều 76 đã chia pháp nhân thành hai loại đó là pháp nhân thương mại và pháp nhân phi thương mại. Không phụ thuộc vào loại hình, lĩnh vực, ngành nghề hoạt động cụ thể của pháp nhân, mục tiêu lợi nhuận mới là căn cứ để nhận diện pháp nhân thương mại hay phi thương mại.
1.    Pháp nhân thương mại
Theo Điều 75 BLDS 2015 thì pháp nhân thương mại là pháp nhân thoả mãn các điều kiện sau:
Thứ nhất, pháp nhân đó phải thoả mãn đủ 04 điều kiện quy định tại Điều 74 như đã phân tích ở trên. Bởi là pháp nhân thương mại thì trước hết phải là một pháp nhân hoàn chỉnh.
Thứ hai, pháp nhân đó có mục đích, mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác.
Thứ ba, pháp nhân đó phải có hoạt động chia lợi nhuận cho các thành viên của mình.
Ngoài ra, việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của BLDS 2015, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Ví dụ: Các loại hình công ty như công ty cổ phần; công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên, 2 thành viên trở lên; công ty hợp danh; các tổ chức kinh tế khác như hợp tác xã, doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (tổ chức quản lý dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn) … đều là các pháp nhân thương mại. Bởi chúng đều có tư cách pháp nhân và hoạt động vì mục đích tìm kiếm lợi nhuận để chia cho các thành viên.[8]
2.    Pháp nhân phi thương mại
Theo Điều 76 BLDS 2015 thì pháp nhân phi thương mại là pháp nhân thoả mãn các điều kiện trái ngược với pháp nhân thương mại, cụ thể như sau:
Thứ nhất, cũng giống với pháp nhân thương mại, pháp nhân phi thương mại cũng phải là một pháp nhân đáp ứng đủ 04 điều kiện tại Điều 74.
Thứ hai, pháp nhân phi thương mại không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận, mà hoạt động với mục đích vì lợi ích chính trị, xã hội,… Bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác.
Thứ ba, nếu có phát sinh lợi nhuận thì pháp nhân phi thương mại không được chia lợi nhuận đó cho các thành viên. Nguồn lợi nhuận đó sẽ được góp vào phần tài sản của pháp nhân để phục vụ mục đích hoạt động của pháp nhân đó.
BLDS quy định về các yếu tố nhận diện pháp nhân phi thương mại. Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được quy định cho pháp nhân trong các quy định tương ứng của BLDS cũng như các quy định của các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan.
Ví dụ: Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là tổ chức xã hội của quần chúng, hoạt động vì mục tiêu nhân đạo – hòa bình – hữu nghị, góp phần thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vì hạnh phúc của nhân dân.[9] Trong quá trình hoạt động của Hội sẽ phát sinh lợi nhuận như từ các nguồn tài trợ của các mạnh thường quân, các hoạt động gây quỹ, …. Tuy nhiên, những nguồn thu đó sẽ được sử dụng vào mục đích của Hội chứ không được chia cho các Hội viên.
Tóm lại, việc phân loại pháp nhân theo mục đích hoạt động là một điểm mới của BLDS 2015, do đó đôi khi còn có khó khăn trong việc xác định một pháp nhân là pháp nhân thương mại hay phi thương mại. Cũng vì thế, ở thời điểm BLDS 2015 sắp có hiệu lực (01/01/2017) tới đây, trong điều lệ của các pháp nhân nên có thêm phần xác định này để hoạt động của mình được đi đúng hướng, hiệu quả.
III.       Hoạt động của pháp nhân
Để tham gia vào các quan hệ pháp luật, pháp nhân phải thông qua hoạt động là các hoạt động bên ngoài như những chủ thể khác độc lập tham gia các quan hệ xã hội nói chung và các quan hệ dân sự nói riêng. Mọi hoạt động của pháp nhân được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân là người đại diện hoặc thành viên của pháp nhân. Hành vi của những cá nhân này không phải tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ mà nhân danh pháp nhân tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho chính pháp nhân đó.
1.    Hoạt động của pháp nhân thông qua người đại diện
Thông qua người đại diện, pháp nhân có được các quyền và nghĩa vụ phát sinh cho mình. Hoạt động của pháp nhân thông qua người đại diện có thể theo pháp luật hoặc theo uỷ quyền. Việc xác lập đại diện, phạm vi quyền và nghĩa vụ của người đại diện, việc chấm dứt đại diện của pháp nhân áp dụng các quy định tại Chương IX Phần thứ nhất của BLDS.
a.    Người đại diện theo pháp luật
Một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật, mỗi người đại diện sẽ thực hiện một số nhiệm vụ của pháp nhân. Pháp luật quy định pháp nhân có nhiều người đại diện nhằm tạo điều kiện cho pháp nhân thực hiện nhiệm cụ của mình được thuận lợi trong các giao dịch, trong sản xuất, kinh doanh.
Theo Điều 137 BLDS 2015, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân bao gồm:
-           Người được pháp nhân chỉ định theo điều lệ; ví dụ: Điều 23 Điều lệ của VCCI quy định Chủ tịch là người đại diện theo pháp luật, chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động của pháp nhân này.
-            Người có thẩm quyền đại diện theo quy định của pháp luật;
o   Đối với pháp nhân là cơ quan quản lý, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của nhà nước: là người đứng đầu pháp nhân đó. Ví dụ: người đại diện theo pháp luật của trường Đại học Luật Hà Nội là Hiệu trưởng nhà trường.
o   Đối với pháp nhân là các tổ chức kinh tế: là Chủ tịch Hội đồng quản trị/ Hội đồng thành viên hoặc Tổng giám đốc/Giám đốc (được xác định cụ thể theo điều lệ của pháp nhân đó). Ví dụ: điều lệ công ty cổ phần A quy định ông Nguyễn Văn B là người đại diện theo pháp luật của mình.
-             Người do Toà án chỉ định trong quá trình tố tụng tại toà án. Ví dụ: trong trường hợp pháp nhân A là bên bị đơn trong một vụ kiện tại Toà án nhưng tại thời điểm đó người đại diện theo pháp luật của pháp nhân này đã chết, Toà án có quyền chỉ định người đại diện khác cho pháp nhân này.
b.    Người đại diện theo uỷ quyền
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 138 BLDS 2015 thì pháp nhân có thể uỷ quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
Người đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân là người được người đại diện theo pháp luật của pháp nhân đó uỷ quyền.
Người đại diện theo uỷ quyền của pháp nhân chỉ được thực hiện các hành vi đại diện cho pháp nhân được xác định trong văn bản uỷ quyền.
Ví dụ: Công ty trách nhiệm hữu hạn A do bà B thành lập đồng thời bà B là người đại diện theo pháp luật của A, tuy nhiên bà A ký hợp đồng thuê anh C làm Giám đốc công ty của mình, đồng thời uỷ quyền cho anh C là người đại diện.

2.    Hoạt động của pháp nhân thông qua hành vi của thành viên pháp nhân có mối quan hệ với bên ngoài
Hoạt động của pháp nhân còn thông qua hành vi của thành viên pháp nhân. Thành viên của pháp nhân khi thực hiện nghĩa vụ lao động của họ đối với pháp nhân theo hợp đồng lao động được xem là hành vi của pháp nhân mà không phải hành vi của cá nhân. Những hành vi đó tạo ra quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân nếu hành vi này thực hiện trong khuôn khổ nhiệm vụ được giao. Họ là người trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ của pháp nhân (ký hợp đồng, giao hàng, thực hiện các công việc…). Bởi vậy, nếu họ không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc hành vi của họ gây thiệt hại cho người khác được xem là hành vi của pháp nhân; lỗi của những người này là lỗi của pháp nhân và pháp nhân phải chịu trách nhiệm do những hành vi gây thiệt hại của họ gây ra.
Tóm lại, một pháp nhân không tự thực hiện được những hoạt động của mình, nó cần thông qua hành vi của người đại diện (theo pháp luật, theo uỷ quyền) và thành viên của mình để có những quyền, nghĩa vụ có thể nằm trong hoặc ngoài lĩnh vực hoạt động của mình.
Ví dụ: Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) có Tổng giám đốc là bà Mai Kiều Liên, đồng thời, tại Khoản 4 Điều 2 Điều lệ của pháp nhân này có quy định “Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Công ty”[10]. Do đó, những hoạt động của bà Mai Kiều Liên như quyết định mở rộng phạm vi sản xuất, lĩnh vực kinh doanh… đều làm phát sinh quyền và nghĩa vụ cho công ty này. Ngoài ra, ông Trần Minh Văn là Giám đốc điều hành sản xuất của công ty[11], giả sử trong quá trình hoạt động sản xuất, ông Trần Minh Văn có thực hiện những chỉ đạo sản xuất làm thay đổi chất lượng của sản phẩm sữa, gây ra thiệt hại cho khách hàng tiêu dùng thì lỗi của ông Văn lúc này là lỗi của công ty Vinamilk và chính công ty mới phải chịu trách nhiệm cho hành vi đó.


[1] http://vcci.com.vn/gioi-thieu-chung truy cập ngày 29/11/2016.
[2] Theo Quyết định số 1288/QĐ-BNV năm 2010 của Bộ Nội vụ Về việc cấp giấy phép thành lập và công nhận điều lệ quỹ xã hội từ thiện Tấm lòng vàng.
[3] Điều 83. Cơ cấu tổ chức của pháp nhân trong BLDS 2015 quy định như sau:
“1. Pháp nhân phải có cơ quan điều hành. Tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan điều hành của pháp nhân được quy định trong điều lệ của pháp nhân hoặc trong quyết định thành lập pháp nhân.
  2. Pháp nhân có cơ quan khác theo quyết định của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.”
[4] Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập I, Nxb. Công an nhân dân, năm 2016, trang 111.
[6] Hướng dẫn môn học Luật Dân sự tập I, Nxb. Tư pháp, năm 2015, trang 114.
[7] Bình luận khoa học Bộ luật dân sự Việt Nam năm 2015, TS. Nguyễn Minh Tuấn chủ biên, năm 2016, trang 161.
[8] Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Hợp tác xã 2012.