Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2016

Thể hiện quan điểm về việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề luật của luật sư

Đây là phần bài tập của nhóm 4 - lớp 4038 - HLU, môn Đạo đức nghề luật.

MỞ ĐẦU
Bất cứ nghề nghiệp nào cũng đều có những chuẩn mực đạo đức dành cho những người hành nghề đó. Nghề luật sư cũng vậy, hơn nữa đạo đức nghề luật sư còn cần tuân theo quy định của Bộ quy tắc mẫu về đạo đức và ứng xử nghề nghiệo luật sư Việt Nam năm 2011 do Hội đồng luật sư toàn quốc ban hành. Vì thế, sau đây chúng em xin chọn đề bài sau cho phần bài tập nhóm của mình :
Đề số 7 : “Luật sư A giao kết 1 hợp đồng pháp lý với ông B về việc luật sư A đại diện cho ông B trong 1 vụ tranh chấp về thừa kế. Sau khi khẳng định có những mối quan hệ tốt với cơ quan tố tụng, luật sư A hứa hẹn với ông B về 1 kết quả tốt đẹp. Luật sư A cũng yêu cầu ông B tạm ứng 20 triệu đồng. Sau 1 thời gian, luật sư A đã không tiến hành các công việc như thoả thuận. Lúc này luật sư C đã đưa ra những hứa hẹn tốt đẹp hơn cho ông B nên ông B quyết định thuê luật sư C thay cho luật sư A và đề nghị đơn phương chấm dứt hợp đồng với luật sư A, đồng thời tiến hành đòi luật sư A hoàn trả lại số tiền tạm ứng 20 triệu đồng. Luật sư A sau đó không tiếp tục thực hiện công việc đã thoả thuận với ông B nhưng cũng không hoàn trả lại số tiền tạm ứng đã nhận. 

Hãy thể hiện quan điểm của nhóm về việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nghề luật của luật sư A và luật sư C. Nếu ông B khiếu nại về các hành vi của luật sư A, vậy chế tài nào có thể áp dụng đối với luật sư A ? Giải thích vì sao ?”.
NỘI DUNG VẤN ĐỀ
I.    Quan điểm về việc tuân thủ các chuẩn mực đạo đức của luật sư A và luật sư C
Cả Luật sư A và Luật sư C trong trường hợp trên đều vi phạm nghiêm trọng tới các quy tắc được quy định trong Bộ “Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp Luật sư”. Cụ thể :
1.    Những hành vi vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư A
·      Khẳng định rằng có mối quan hệ tốt đẹp với cơ quan tố tụng để gây niềm tin.
® Vi phạm Điều 14.9 của Quy tắc 14 (Những việc luật sư không được làm trong quan hệ với khách hàng): "Thông tin trực tiếp cho khách hàng hoặc dùng lời lẽ ám chỉ để khách hàng biết về mối quan hệ cá nhân của mình với cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc công chức nhà nước có thẩm quyền khác, nhằm mục đích gây niềm tin với khách hàng về hiệu quả công việc như là một tiêu chí để khuyến khích khách hàng lựa chọn luật sư".
·      Hứa hẹn với ông B (khách hàng) về một kết quả tốt đẹp sẽ có.
® Vi phạm : Điều 14.10: "Cố ý làm cho khách hàng nhầm lẫn về khả năng và trình độ chuyên môn của mình; đưa ra những lời hứa hẹn tốt đẹp để lừa dối khách hàng" và Điều 14.11: "Cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc để tính thù lao theo kết quả cam kết" của Quy tắc 14.
·      Yêu cầu ông B tạm ứng 20 triệu đồng khi ông B chưa có đề xuất nào.
® Vi phạm Điều 8.2 của Quy tắc 8 (Thực hiện vụ việc của khách hàng: “Trong khi thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng, luật sư không để tiền bạc hoặc lợi ích vật chất khác chi phối đạo đức và ứng xử nghề nghiệp làm sai lệch mục đích của nghề luật sư”.
·      Không tận tâm, hoàn thành được công việc như đã thỏa thuận với ông B.
® Vi phạm Quy tắc 3 (Bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng) : “Luật sư có nghĩa vụ bảo đảm chất lượng dịch vụ pháp lý cung cấp cho khách hàng, tận tâm với công việc, phát huy năng lực, sử dụng kiến thức chuyên môn, các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của khách hàng theo quy định của pháp luật, Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp luật sư” và Điều 8.1 của Quy tắc 8 : “Luật sư chủ động, tích cực giải quyết vụ việc của khách hàng và thông báo tiến trình giải quyết vụ việc để khách hàng biết”.
·      Không trả lại số tiền ông B đã tạm ứng mặc dù đã không thực hiện hợp đồng.
® Vi phạm Quy tắc 3, ngoài ra còn trái với chuẩn mực đạo đức chung của bất cứ nghề nghiệp nào.
Như vậy, những việc làm trên của Luật sư A đã không tuân thủ các quy tắc đạo đức của nghề Luật sư, đó là không thể chấp nhận được, nó biểu hiện một tư cách không hoàn chỉnh. Luật sư A không xứng đáng với sự tin tưởng của ông B, khiến ông B mất tiền bạc, thời gian và công sức. Các hành động không tuân thủ quy tắc trên của Luật sư A  đã làm méo mó hình ảnh của Luật sư - người đại diện cho pháp luật, có công minh, công bằng xã hội.
2.    Những hành vi vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp của luật sư C
·      Đưa ra những lời hứa hẹn tốt đẹp hơn cho ông B về kết quả vụ việc.
® Vi phạm Điều 14.11 của Quy tắc 14: “Cam kết bảo đảm kết quả vụ việc nhằm mục đích lôi kéo khách hàng hoặc để tính thù lao theo kết quả cam kết”.
·      Biết luật sư A làm việc sai trái nhưng vẫn không khuyên can, góp ý.
® Vi phạm Điều 16.2 của Quy tắc 16 (Tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp): “Luật sư có ý thức hợp tác và giúp đỡ đồng nghiệp trong hành nghề cũng như trong cuộc sống; góp ý kịp thời khi thấy đồng nghiệp làm điều sai trái, ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp luật sư”.
·      Tác động đến khách hàng là ông B để lựa chọn mình.
® Vi phạm Điều 16.3 của Quy tắc  16: “Khi nhận vụ việc, nếu biết đã có đồng nghiệp nhận vụ việc này từ trước, luật sư tránh tác động để khách hàng chọn lựa mình; nếu khách hàng từ chối đồng nghiệp và chọn lựa mình, luật sư có trách nhiệm yêu cầu khách hàng phải cung cấp tài liệu chấm dứt Hợp đồng dịch vụ với đồng nghiệp trước khi luật sư nhận vụ việc đó”.
Như vậy, những việc làm trên của luật sư C là hoàn toàn sai và trái với Quy tắc đạo đức và ứng xử của nghề luật. Ở trường hợp này, dù luật sư A không tiến hành các công việc như đã thoả thuận với ông B nhưng việc luật sư C có hành vi như trên là đã hoàn toàn vi phạm các quy tắc của đạo đức nghề luật.
II. Các chế tài có thể áp dụng với luật sư A trong trường hợp có khiếu nại của ông B
Theo như những phân tích trên, trong trường hợp ông B khiếu nại về các hành vi của luật sư A thì có thể áp dụng các chế tài cho luật sư A như sau :
Thứ nhất, tạm đình chỉ tư cách thành viên của Đoàn luật sư đối với luật sư A từ sáu tháng đến hai mươi bốn tháng tại nơi mà luật sư A đang hoạt động.[1] Thời gian cụ thể do Đoàn Luật sư quyết định. Chế tài này được áp dụng bởi 02 lỗi :
1.    Sau khi khẳng định có những mối quan hệ tốt đẹp với cơ quan tố tụng, luật sư A hứa hẹn với ông B về một kết quả tốt đẹp.
2.    Sau một thời gian, luật sư A đã không tiến hành các công việc như đã thỏa thuận trong hợp đồng với ông B.
Thứ hai, luật sư A phải hoàn trả lại ông B 20 triệu đồng và bị khiển trách bởi Đoàn luật sư nơi luật sư A hoạt động. Chế tài này được áp dụng bởi lỗi : sau khi bị ông B đơn phương chấm dứt hợp đồng, Luật sư A trước đó đã không thực hiện công việc thỏa thuận với ông B nhưng cũng không hoàn lại số tiền tạm ứng đã nhận là 20 triệu đồng.
KẾT LUẬN
Để trở thành một vị luật sư giỏi, chỉ dựa vào tài năng thôi là chưa đủ, mà ở đó, các chuẩn mực về đạo đức là một yếu tố rất quan trọng. Chúng đòi hỏi người luật sư phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên lợi ích bản thân, đồng thời vẫn khéo léo giữ được mối quan hệ hòa hảo với đồng nghiệp. Với tầm hiểu biết còn hạn chế, bài làm của chúng em vẫn còn nhiều thiếu sót, chúng em rất mong nhận được những góp ý từ thầy cô để phần bài tập của nhóm được hoàn thiện hơn.



[1] Điều 85: Xử lý kỷ luật đối với luật sư, Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi năm 2012).