Thứ Sáu, 1 tháng 7, 2016

Phân tích những điểm mới về Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1946


I.    SƠ LƯỢC VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC TRONG HAI BẢN HIẾN PHÁP NĂM 1946 VÀ NĂM 2013
1.  Khái niệm Chủ tịch nước 
Chủ tịch nước Việt Nam được quy định thành các chế định, là tổng thể các quy định trong các bản Hiến pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam về vị trí, vai trò, nhiệm vụ, và quyền hạn của chức danh Chủ tịch nước Việt Nam trong bộ máy nhà nước. Chế định này là một trong những nội dung quan trọng của Hiến pháp Việt Nam, quy định về nguyên thủ quốc gia, người đứng đầu nhà nước, đại diện cho quốc gia về đối nội, đối ngoại.
2.  Nội dung chế định  
Tại Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch nước tuy không được định nghĩa song theo các quy định về thẩm quyền thì là người vừa đứng đầu Nhà nước vừa đứng đầu Chính phủ. Chủ tịch nước do Nghị viện nhân dân bầu chọn trong Nghị viện với thời hạn là năm năm (không theo nhiệm kì Nghị viện nhân dân – là 3 năm). Chủ tịch nước thay mặt cho đất nước; giữ quyền tổng chỉ huy quân đội toàn quốc, chỉ định hoặc cách chức các tướng soái trong lục quân, hải quân, không quân; ban bố các đạo luật đã được Nghị viện quyết nghị; thưởng huy chương và các bằng cấp danh dự; kí hiệp ước với các nước; phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước; tuyên chiến hay đình chiến; đặc xá; bổ nhiệm Thủ tướng, nhân viện Nội các và nhân viên cao cấp thuộc các cơ quan Chính phủ. Chủ tịch nước có quyền (trong thời hạn 10 ngày) yêu cầu Nghị viện thảo luận lại những luật đã được biểu quyết thông qua. Chủ tịch nước không phải chịu một trách nhiệm nào trừ khi phạm tội phản quốc (Chương IV và Điều 31 Chương III). Như vậy, ở đây Chủ tịch nước có vị trí lớn tương tự như tổng thống ở các chế độ cộng hoà tổng thống hay cộng hoà lưỡng tính tư sản.[1]
Tại Hiến pháp năm 2013, Chủ tịch nước được tổ chức riêng thành một chế định độc lập với tính chất là người đứng đầu Nhà nước, không còn đồng thời là người đứng đầu Chính phủ nữa và do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội, nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội và kéo dài cho đến khi Quốc hội bầu ra Chủ tịch nước mới (Điều 87). Chủ tịch nước thay mặt nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện các chức năng thuộc về đối nội, đối ngoại (Điều 86); tham gia vào các hoạt động vủa Nhà nước về các mặt lập pháp, hành pháp, tư pháp. Trong đó, những quy định về Chủ tịch nước cũng đã rõ ràng và đầy đủ hơn theo hướng vừa bảo đảm thống nhất quyền lực nhà nước vừa có sự phân công phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước. Nhìn chung mô hình này vừa tiếp thu những ưu điểm của các mô hình lần trước vừa giữ được sự gắn bó giữa Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước trong việc thực hiện các chức năng nguyên thủ quốc gia (là đặc trưng của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa), vừa bảo đảm sự phân công và phối hợp giữa các cơ cấu trong bộ máy nhà nước.
II. NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC THEO HIẾN PHÁP NĂM 2013 SO VỚI HIẾN PHÁP NĂM 1946
Dựa vào đặc điểm thể chế chính trị và mô hình tổ chức bộ máy nhà nước của Việt Nam, chế định Chủ tịch nước trong Hiến pháp năm 2013 đã có những thay đổi rất tích cực. Vì hoàn cảnh đất nước hiện tại là hoàn toàn khác so với đất nước những ngày còn chiến tranh của năm 1946, đất nước ta hiện nay đã ở trong trạng thái đổi mới và mở rộng quan hệ hơn trên trường quốc tế nên những điểm mới sau đây về Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 2013 so với Hiến pháp năm 1946 có thể coi là hợp lý.
1. Về vị trí, tính chất pháp lý
Điều 86 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chủ tịch nước là người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hoà XHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại”. Với vai trò “là người đứng đầu Nhà nước”, Chủ tịch nước thể hiện trách nhiệm của Nhà nước trong mối quan hệ với nhân dân, các nhà nước và các tổ chức khác. Với vai trò “thay mặt nhà nước”, Chủ tịch nước thể hiện tính thống nhất về quyền lực nhà nước trong mối quan hệ với bên ngoài. Như vậy, quy định tại Điều 86 Hiến pháp năm 2013 đã đề cao vai trò của Chủ tịch nước, vị trí, tính chất pháp lý của Chủ tịch nước đã thể hiện tính hệ thống và sự thống nhất trong nội tại bộ máy nhà nước cũng như trong mối quan hệ với các chủ thể khác. Thay vì như ở Hiến pháp năm 1946, Chủ tịch nước chưa được định nghĩa rõ ràng và cũng chưa có những quy định về vị trí và tính chất pháp lý cụ thể.
2. Về trình tự thành lập
Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội (Điều 87 Hiến pháp năm 2013), nhiệm kỳ của Chủ tịch nước theo nhiệm kỳ của Quốc hội, thay vì chọn trong Nghị viện nhân dân và có nhiệm kỳ 5 năm như trong Hiến pháp năm 1946 quy định. Một điểm mới của Hiến pháp năm 2013 là sau khi được bầu, Chủ tịch nước phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp.[2] Thật ra, không chỉ Chủ tịch nước phải tuyên thệ mà ngay cả Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cũng phải tuyên thệ sau khi nhậm chức, nhằm tạo cơ sở quan trọng cho nhân dân thực hiện chức năng giám sát đối với những người giữ chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, việc tuyên thệ của Chủ tịch nước còn có thể mang nhiều ý nghĩa sâu sắc hơn. Trước hết, hành vi tuyên thệ của Chủ tịch nước là hành vi thiêng liêng, cao cả, là nguồn cảm hứng đoàn kết cho các tầng lớp nhân dân, thể hiện tính vẹn toàn của bộ máy quyền lực và niềm tin của nhân dân vào chính quyền, từ đó hình thành nên sự đồng thuận xã hội và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc. Thứ hai, lời tuyên thệ của Chủ tịch nước nhấn mạnh tính tối cao của Hiến pháp, đó là lời cam đoan vững chắc về việc Chủ tịch nước có trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp theo Điều 119.
3. Về nhiệm vụ và quyền hạn  
Thẩm quyền của Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp năm 2013 về cơ bản là hoàn chỉnh và chi tiết hơn rất nhiều so với trong Hiến pháp năm 1946. Hơn nữa, ở Hiến pháp năm 2013 còn chỉ ra cả nhiệm vụ của Chủ tịch nước trong Điều 88, thay vì chỉ có quyền hạn như trong Điều thứ 49 của Hiến pháp năm 1946. Có thể nói, những điểm mới về Chủ tịch nước hầu như thể hiện rõ nhất ở phần thẩm quyền này. Cụ thể như sau :
Về việc ban hành pháp lệnh, Khoản 1 Điều 88 Hiến pháp năm 2013 quy định : “Chủ tịch nước công bố Hiến pháp, luật, pháp lệnh; đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét lại pháp lệnh trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày pháp lệnh được thông qua”. Điểm mới ở đây là Chủ tịch nước đã có thêm thẩm quyền đề nghị UBTVQH xem xét lại pháp lệnh, điều này cho phép Chủ tịch nước có tiếng nói lớn hơn trong việc ban hành các pháp lệnh, chứ không chỉ có thẩm quyền  “Ban bố các đạo luật đã được Nghị viện quyết định” (Điểm đ Điều thứ 49 Hiến pháp năm 1946).
Về vấn đề quốc tịch của công dân, Hiến pháp năm 2013 quy định Chủ tịch nước còn có quyền “quyết định cho nhập quốc tịch, thôi quốc tịch, trở lại quốc tịch hoặc tước quốc tịch Việt Nam” (Khoản 4 Điều 88 Hiến pháp năm 2013). Thẩm quyền mới này của Chủ tịch nước đã cho thấy Việt Nam mở rộng cửa cho phép người mất quốc tịch Việt Nam trở lại quốc tịch Việt Nam, người muốn nhập hoặc thôi quốc tịch Việt Nam mà không hề ngăn cấm, cấm đoán.
Về việc chỉ huy quân đội toàn quốc, Hiến pháp năm 2013 tiếp tục khẳng định Chủ tịch nước là người thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân, đồng thời giữ thêm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh mà trong Hiến pháp năm 1946 chưa được quy định. Theo đó, Chủ tịch nước “quyết định phong hàm, cấp sĩ quan cấp tướng trong các lực lượng vũ trang nhân dân” (Khoản 5 Điều 88). Với quy định này, việc phong, thăng cấp hàm Trung tướng, Thiếu tướng trong quân đội và công an, Phó Đô đốc Hải quân, Chuẩn Đô đốc Hải quân đều thuộc về Chủ tịch nước. Theo cấp bậc quân hàm sĩ quan thì Chuẩn Đô đốc Hải quân có cấp hàm Thiếu tướng, còn Phó Đô đốc Hải quân có cấp hàm Trung tướng.[3] Như vậy, Chủ tịch nước có quyền phong hàm sĩ quan từ cấp Thiếu tướng trở lên trong các lực lượng vũ trang nhân dân. Và theo Khoản 2 Điều 89 Hiến pháp năm 2013 quy định thẩm quyền của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước làm Chủ tịch được “trình Quốc hội quyết định tình trạng chiến tranh, trường hợp Quốc hội không thể họp được thì Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định; thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn đặc biệt do Quốc hội giao trong trường hợp có chiến tranh; quyết định việc lực lượng vũ trang nhân dân tham gia hoạt động góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới”. Những quy định mới này cho thấy vai trò quan trọng của Hội đồng quốc phòng và an ninh do Chủ tịch nước đứng đầu trong việc bảo vệ hòa bình, an toàn khu vực và trên thế giới, góp phần không nhỏ trong việc bảo vệ Tổ quốc nhất là khi Việt Nam đang bị đe dọa bởi các nước láng giềng và âm mưu phản động từ trong và ngoài nước.
Về công tác đối ngoại, theo Khoản 6 Điều 88 Hiến pháp năm 2013 thì Chủ tịch nước có quyền “Tiếp nhận đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước ngoài; căn cứ vào nghị quyết của UBTVQH, bổ nhiệm, miễn nhiệm; quyết định cử, triệu hồi đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; phong hàm, cấp đại sứ; quyết định đàm phán, kí điều ước quốc tế quy định tại khoản 14 Điều 70; quyết định phê chuẩn, gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế khác nhân danh Nhà nước”. Trong khi theo Điều thứ 49 Hiến pháp năm 1946 thì Chủ tịch nước chỉ có quyền “Ký hiệp ước với các nước” (điểm h) và “Phái đại biểu Việt Nam đến nước ngoài và tiếp nhận đại biểu ngoại giao của các nước” (điểm i). Điểm mới này hoàn toàn phù hợp với thực tiễn hiện nay trong công tác điều ước quốc tế của Chủ tịch nước vì Chủ tịch nước cũng như các nguyên thủ quốc gia khác trên thế giới không trực tiếp tiến hành đàm phán điều ước quốc tế mà thường ủy quyền cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền về lĩnh vực đó, đàm phán như vậy vừa bất gánh nặng công việc cho Chủ tịch nước, vừa để các cơ quan, cá nhân đó đàm phán, kí kết đúng lĩnh vực sẽ hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Chủ tịch nước theo Hiến pháp năm 2013 còn được quy định thêm quyền “ban hành lệnh, quyết định để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình” (Điều 91), trong khi vấn đề này chưa được Hiến pháp năm 1946 nhắc đến. Từ đó, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước được thuận lợi hơn.
4. Mối quan hệ với các cơ quan trong bộ máy nhà nước
Trong mối quan hệ với cơ quan hành pháp, Điều 90 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Chủ tịch nước có quyền tham dự phiên họp của Chính phủ”. Điểm này là hoàn toàn mới, bởi theo Hiến pháp năm 1946 Chủ tịch nước vẫn là một thành viên của Chính phủ, còn trong Hiến pháp năm 2013 đã có quy định mới : “Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước”. Đây là một bước tiến rất lớn trong tư duy lập hiến ở nước ta. Thứ nhất, theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì Chủ tịch nước chỉ đứng đầu Nhà nước mà không đứng đầu Chính phủ  - cơ quan hành chính cao nhất của nước ta - nên không thể chủ tọa các phiên họp của Chính phủ, mà chỉ yêu cầu Chính phủ họp bàn về những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước. Thứ hai, về cơ chế chịu trách nhiệm thì Thủ tướng Chính phủ là người đứng đầu Chính phủ, do đó, Thủ tướng Chính phủ phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội về hoạt động của Chính phủ (Khoản 2 Điều 95 Hiến pháp năm 2013). Trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ chủ tọa các phiên họp Chính phủ mà có những quyết sách chưa phù hợp thì cơ chế chịu trách nhiệm đã được quy định rõ ràng, trong khi đó, nếu Chủ tịch nước chủ tọa các phiên họp Chính phủ mà có những sai sót thì không thể “đổ dồn” trách nhiệm cho Thủ tướng Chính phủ. Việc dồn trách nhiệm của Chủ tịch nước sang cho Thủ tướng trong trường hợp này hoàn toàn không hợp lý. Thứ ba, xuất phát từ mô hình thể chế bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay, Hiến pháp năm 2013 không quy định Chủ tịch nước chủ tọa các phiên họp Chính phủ nói riêng và trực tiếp điều hành hành pháp nói chung là hợp lý, bởi nếu thừa nhận quyền này thì đã có sự chuyển đổi chính thể từ mô hình Việt Nam hiện nay (có nhiều tính chất đại nghị) sang mô hình chế độ tổng thống hoặc bán tổng thống. Điều này có thể thay đổi thể chế nhà nước và có thể cả thể chế chính trị nói chung.
Trong mối quan hệ với các cơ quan tư pháp, việc Chủ tịch nước đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm các chức danh của các cơ quan này là điểm hoàn toàn mới ở Hiến pháp năm 2013 vì trong Hiến pháp năm 1946 thẩm quyền này của Chủ tịch nước chưa được quy định. Theo đó, Chủ tịch nước được quy định trong Hiến pháp năm 2013 có quyền “Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ” (Khoản 2 Điều 88 Hiến pháp năm 2013), và quyền “Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC); căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán TANDTC; bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án TANDTC, Thẩm phán các toà án khác, Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên VKSNDTC; quyết định đặc xá; căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, công bố quyết định đại xá” (Khoản 3 Điều 88 Hiến pháp năm 2013). Qua đây có thể thấy được mối quan hệ giữa Chủ tịch nước với các cơ quan tư pháp được quy định tại Hiến pháp năm 2013 là rất mật thiết.
III. NHỮNG ĐIỂM HẠN CHẾ VỀ CHỦ TỊCH NƯỚC THEO HIẾN PHÁP NĂM 2013 VÀ HIẾN PHÁP NĂM 1946
Thứ nhất, điều kiện để trở thành Chủ tịch nước không khác so với điều kiện để trở thành Đại biểu Quốc hội theo Hiến pháp năm 2013 và Nghị viên Nghị viện nhân dân theo Hiến pháp năm 1992, không có quy định thêm về xuất thân, độ tuổi, trình độ,…để trở thành ứng viên làm Chủ tịch nước. Điều này có thể coi là hạn chế vì Chủ tịch nước là người đứng đầu một quốc gia, đại diện cho toàn bộ nhân dân, có vị thế rất lớn trong bộ máy nhà nước. Vì thế, điều kiện trở thành Chủ tịch nước cần phải có những quy định riêng, được các nhà làm luật xem xét sửa đổi. Có như vậy, nhân dân mới thực sự tin tưởng giao trách nhiệm cho Chủ tịch nước.
Thứ hai, Hiến pháp năm 2013 và Hiến pháp năm 1946 đều quy định quyền hạn của Chủ tịch nước trong công tác khen thưởng (tặng thưởng huân chương, huy chương, các giải thưởng, danh hiệu vinh dự nhà nước) mà không quy định trách nhiệm của Chủ tịch nước trong công tác thi đua. Điều này cũng cần được các nhà làm luật xem xét vì Chủ tịch nước phải gương mẫu trong công tác thi đua như : thi đua yêu nước, thi đua học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh,…thì nhân dân, cơ quan từ trung ương đến địa phương mới học tập và noi theo. Từ đó việc đẩy mạnh thi đua mới thực sự có hiệu quả tối đa.




[1] Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Tr.394, Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân, năm 2014
[2] Khoản 7 Điều 70 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Sau khi được bầu, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân tối cao phải tuyên thệ trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp”.
[3] Khoản 3 Điều 10 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2008) quy định :
Cấp Tướng có bốn bậc :
Thiếu tướng, Chuẩn Đô đốc Hải quân;
Trung tướng, Phó Đô đốc Hải quân;
Thượng tướng, Đô đốc Hải quân;
Đại tướng.